Trần Đăng Thành: TỪ ĐỈNH ĐỒI TRẠI THUỶ, NHÌN ĐƯỜNG VỀ NÚI CŨ CHÙA XƯA

19/03/2025

TỪ ĐỈNH ĐỒI TRẠI THUỶ, NHÌN ĐƯỜNG VỀ NÚI CŨ CHÙA XƯA

"Từ đó đến nay, một hoặc nhiều thế-hệ đã ra đi, biến mất trong bóng tối cuả đêm dài sinh-tử; nhiều thế-hệ mới đã ra đời. Phôi-bào trong Như-lai-tạng vẫn liên-tục kết rồi rã, thành rồi hoại. Dòng tương-tục vẫn tiếp nối không ngừng.

Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng."

~ Tuệ Sỹ | Thắng Man giảng-luận | lời tưạ

Một và nhiều thế-hệ đã ra đi, từ đồi Trại Thuỷ – nơi có thể được coi là trái tim của Phật-giáo Khánh Hoà trong một thời-đoạn nhất-định – với sự toạ-lạc ít nhất là của ba ngôi chùa Long-Sơn Linh-Phong Hải-Đức, nơi đã từng một thời vang vọng lời giảng-thuyết của Ngài Tuệ Sỹ tự trên đỉnh đồi dành cho các tăng-ni-sinh của Phật-học-viện Trung-phần trước 1975.

Biến-cố xoay vần, nắng mưa đắp đổi, cảnh xưa tuy vẫn còn nhưng phong-khí xưa đã dần mai một; một vị tăng vẫn điềm-nhiên an trú trên đỉnh đồi, trong một trượng-thất cũ của dãy phòng học-tăng xưa, ngày ngày ngắm mây trời và an định với niềm tin chung-thủy của Ngài, để tâm-tưởng lên đường tìm về với núi cũ chùa xưa. Thuở đất trời chưa nổi cơn gió bụi và sương buổi sớm, nắng chiều tà hãy còn đẹp một nét đẹp tinh-khôi chưa phải dính mắc với một khẩu-hiệu nào.

"Trong những năm tháng dài lê-thê ấy", thầy Phước An đã ngưng đọng suy-tư của chính mình để hiện thành từng bài viết một trong 'Đường về núi cũ chuà xưa' trên từng trang A5 một của những quyển vở Bút Cầu trăm trang. Gần 2000 năm cuả Phật-giáo Việt Nam đã được thâu rút về tập phiếm-luận này và mấy mươi năm tinh-hoa của nền học-thuật mạn Nam vĩ-tuyến 17 cũng hiện lên ở từng trang phiếm-luận này.

"Thác là thể-phách, còn là tinh-anh." Người người đã có thể biến mất trong bóng tối của đêm dài sanh-tử, nhưng mỗi một dòng tiếng-từ xứng-đáng sẽ còn ở lại, làm những hột giống chắc-thật để xây dựng cho ngày mai, cho những người đến sau.

Ấn-bản 2024 của sách này gồm gần 370 trang sách khổ A4, được ấn-loát trang-nhã với một minh-hoạ bìa gần như là một bức tranh thuỷ mặc cuả hoạ-sĩ Lê Thiết Cương. Một sanh-linh nhẹ cúi đầu trước vạn-tượng sum-la như một con người đã thấu tình đạt lí rằng ta chỉ là một phần-tử nhỏ-nhoi trôi trong dòng đại-biến-dịch...

Ta sẽ đi tìm Trần Thái Tông để hỏi chuyện người lính già đầu bạc của Nguyên Phong năm đó, sẽ đi tìm Tuệ Trung thượng-sĩ để hỏi vì sao "hơn người và vượt bậc" thì sẽ có lúc vinh-quang và có lúc lao-đao, sẽ tìm Trần Nhân Tông để hỏi rằng vì sao 'trong nhà đã có sẵn kho-báu'... để thấy rằng, ở một thời nào đó, thiền-học đã có thể thấm vào mạch máu sinh-hoạt của một dân-tộc. Với lời văn mạch-lạc nhưng bình-dị một cách cố-tình, tác-giả sẽ dẫn đưa ta đi hết một vòm trời thiền-học của một thuở Việt Nam.

Để rồi, từ vị anh-hùng ngàn năm có một tên là Nguyễn Trãi với bài thơ 'Mộc cận' (Hoa râm bụt) lừng-danh đã xác nhận cho sở-học bao-la của ông về Phật-học, về Không-tánh; tác-giả sẽ dẫn ta đi thăm Hải Lượng thiền-sư Ngô Thời Nhiệm để thấy rằng người đã nói được chuyện "thế thời thế thế thời phải thế" đã bị thiên-hạ vì vô-í mà quên lãng tầm-vóc tư-tưởng của ông đến mức nào, và rồi ta sẽ thăm Tuyết Giang phu-tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và mang theo lời nhắc của Nguyễn Du rằng 'kinh không chữ mới là chân kinh' để hiểu rằng, trong sâu-xa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trọng thị Phật-giáo ra sao bên dưới bề mặt là những câu thơ phê-phán một số-lượng chúng tăng thuở ấy.

Đến cuối sách, sẽ là hành-trạng và tư-tưởng rực sáng của thiền-sư Chân Nguyên và thiền-sư Toàn Nhật Quang Đài trong ước-vọng xây dựng một nền Phật-giáo nhân-gian, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam.

Bài viết điểm sách về bộ Lịch-sử Phật-giáo Việt Nam của thầy Lê Mạnh Thát là một phiếm-luận mà quí-vị nên đọc một cách chậm-rãi và kĩ-lưỡng. Không những là vì những tư-tưởng sáng chói của 'Mâu-tử Lí hoặc luận' – như "đất Hán chưa chắc là trung-tâm cuả thiên-hạ" – mà còn vì thầy Mạnh Thát đã là một trong những người Việt đầu-tiên đã mang tầm-nhìn ngữ-lí-học – mà đầu-tiên là cú-pháp và từ-nguyên-học – vào việc khai-phá và đặt ra những giả-thuyết mới cho lịch-sử nước nhà.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến những khóm lục-bình đong đưa trên một nhánh sông ngay dưới chân đồi Trại Thuỷ mà tôi đã chiêm ngắm trong những lần hiếm-hoi được ngồi trước trượng-thất của tác-giả và xin được trân-trọng gửi đến thầy một lời tri-ân chân-thành vì món quà, là ấn-bản 2024 của sách này; và cũng xin được gửi lời tri-ân đến một vị bằng-hữu lớn tuổi – một quí cô – đã không quản ngại đường-sá mà trao sách cho chúng tôi.

Cây khế đồi cao ấy cuả Phạm Công Thiện, nay có còn trổ bông?

"Trùng dương nằm đợi vô thường

Đồi cao bạt gió hai đường âm u."

                  ~ phạm công thiện

©. Trần Đăng Thành | 250319-wed-1502
(Phật Việt cẩn đăng từ Facebook tác giả, chỉ sửa vài chỗ về trình bày.)

 

Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa (Bản mới 2024)

Tác giả: Thích Phước An

Xem sách tại đây

Bình luận (0)

Viết bình luận :