-
-
-
Phí vận chuyển: Tính khi thanh toánTổng tiền thanh toán:
-
Đăng bởi : Admin 19/11/2024
Hôm qua thầy đã nhận được cuốn sách quý về HT. Tuệ Sỹ. Rất công phu. Thật có ý nghĩa. Cảm ơn em và Nxb.
Gs. Huỳnh Như Phương
"Cuốn sách này rất có ý nghĩa như một đóa hoa mới nở trong vườn Thiền Thị Ngạn."
Gs. Bùi Chí Trung
TRÁI TIM TUỆ SỸ - BÁCH DƯ NIÊN HẬU SỬ TRUYỀN ĐĂNG VÀ NHỮNG CHÀNG TRẺ TUỔI GAN DẠ TRÊN CHIẾC ĐU BAY
TRÁI TIM GURU đã về sớm hơn như đã từng mong đợi; sớm hơn như những giọt lệ chưa khô trên vùng đất mộng một cuộc hồi sinh; sớm hơn như cánh nhạn đã từng bỏ quên bóng mình trên dòng sông TRẠCH DIỆT VÔ VI.
Tôi đã cảm động đến thổn thức khi nhìn lại những dải bạch vân hội tụ như thuở hạnh ngộ cùng Thầy nơi Già-Lam của quá khứ xanh lơ – BÁCH DƯ NIÊN HẬU SỬ TRUYỀN ĐĂNG. Tôi cám ơn những người “TRẺ TUỔI GAN DẠ TRÊN CHIẾC ĐU BAY” đã vô tư về trú nơi Pháp thân Guru bằng những gót chân trần nhẹ êm tuyệt diệu, đến độ BÁCH DƯ NIÊN HẬU SỬ TRUYỀN ĐĂNG, theo tôi đó là “một đứa trẻ lên ba đã làm những điều mà ông già thọ hàng trăm năm không thể làm được.”
Với tôi, “Nhạn quá trường giang không phải là không lưu bóng, mà nó luôn lưu bóng trên dòng sông tịch lặng của Pháp thân”.
Thực ra, không có bóng nhạn hay dòng sông nào cả mà chỉ có: NHỮNG CHÀNG TRẺ TUỔI GAN DẠ TRÊN CHIẾC ĐU BAY.
XIN ĐẢNH LỄ!
Pháp Hiền cư sỹ, T4, am Mít, 13/11/2024
* MỘT CHIỀU TĨNH-LẶNG VỚI 'BÁCH DƯ NIÊN HẬU SỬ TRUYỀN ĐĂNG'
Chúng tôi đang ngồi trong phòng trọ cuả riêng mình, trước bàn phím cuả chiếc computer để đả tự nhằm hiện thành những dòng viết này. Trong phút giây này, chúng tôi xin nguyện cho tâm-tư thật lắng đọng, an-tĩnh như một mặt nước hồ thu, trầm-hùng như một ngọn cô-sơn nghìn năm tuyết phủ. Trước mặt tôi đang là quyển sách dày 478 trang khổ tiệm-cận A4, với sự tề-danh cuả rất nhiều gương mặt sáng-giá trong làng học-thuật Việt Nam hiện-tại, đã góp mặt cùng nhau để tựu thành quyển sách này: "Bách dư niên hậu sử truyền đăng" mà tôi sẽ viết lại là 'Trăm năm sau sử còn soi tỏ' , quyển sách được tạo tác từ các bài viết cuả nhiều quí-vị, xoay quanh hành-trạng và tác-phẩm cuả Ôn Thị Ngạn tức thầy Tuệ Sỹ, để kính dâng lên Ngài nhân lễ Tiểu-tường vưà qua.
Tâm-tư tôi như đương lội ngược dòng trong một biển trời kí-ức, từ cậu nhóc thuở hoa-niên đang đứng giưã thư-quán Hi-mã-lạp-sơn cuả Long Sơn tự ngày nào, choáng váng ngây-ngất trước lời tưạ thần-sầu cuả 'Thắng Man giảng-luận' để rồi ngày ngày kế tiếp, mài đũng quần trong các quán net để đọc tất-cả những gì có thể tìm thấy được về tác-giả Tuệ Sỹ, từ dactrung cho đến queme rồi sau này là phatviet ; rồi cho đến từng số 'Tập-san Nghiên-cứu Phật-học TTH' rồi 'Pháp-luân' và gần đây nhứt là 'Phật-học luận-tập'. Bao nhiêu nước đã trôi qua cầu, trong tàng-thư cuả chúng tôi, thi-phẩm 'Giấc mơ Trường Sơn' với thủ-bút cuả Ôn Tuệ Sỹ trao cho Ôn Phước An vẫn nằm đó vì bản-thân người viết vẫn chưa hoàn trả thi-phẩm cho chủ-nhân.
Chúng tôi đã từng muốn viết một bài thật dày-dặn để xưng tán công-hạnh cuả thầy Tuệ Sỹ , không chỉ vì nền Phật-học Việt Nam mà còn vì nền văn-hoá văn-minh và ngôn-ngữ Việt Nam, nhưng lại nghĩ rằng bản-thân tài hèn sức mọn, sinh-kế lao-cực, nên đâm ra ngần-ngại và biếng-lười, cái biếng-lười mà Nietzches đã từng càm ràm là ông đã thấy khắp cõi nhân-sinh này như cô Ngân Hà vưà nhắc tới trong một bài viết gần đây. Do vậy, tôi đã tự an ủi bản-thân rằng thôi thì đằng nào cũng sẽ có các vị tài cao học rộng viết về thầy.
Cơ-duyên nghi-ngẫu, nhân một lời đề-nghị, chúng tôi đã hạ bút để hoàn thành một bài viết để rồi được may-mắn góp mặt trong sách này.
Với tất-cả sự khiêm-hạ, tôi vẫn biết rằng 'sách vở ích gì cho buổi ấy' nhưng thế-nhân-thường-tình, khi cầm quyển sách trên tay, tim tôi rung động khác thường.
Vì rằng cái tự-ngã luôn huyễn-hoặc ta thật là đáng ghét, nên chi tôi xin dừng những dòng tự-sự ngay trên ở tại đây và xin được gửi lời tri-ân chân-thành đến những quí ông, những người bạn trẻ – mà Pháp Hiền cư-sĩ đã gọi một cách âu-yếm là những chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay như Saroyan ngày xưa đã viết – đã phát tâm để hiện thành quyển sách quí-giá này.
Nói theo ngôn-ngữ võ-hiệp, hầu-như các lộ anh-hùng đều góp mặt. Để hiện thành được một tác-phẩm như vậy, giưã lòng cuộc đời hiện-tại, thì quả-thực là bách-dư-niên-hậu-sử-truyền-đăng.
Vân-Trung các | 241118-mon-15h35m
---
* TRĂM NĂM SAU SỬ CÒN SOI TỎ
Quyển sách này sẽ như một cây cầu, một thông-lộ để đại-chúng có thể nhìn rõ và hình dung một-cách sơ-khởi về di-sản tinh-thần vĩ-đại & đùm-bọc bao-dung mà bậc đạo-sư đã để lại cho nhân-gian.
Trăm năm la-đà tuế-nguyệt, mọi thứ rồi sẽ lũ-lượt trôi nhanh theo nước qua cầu, có còn chăng là một tấm chân-tình gửi lại cho thế-gian. "Một chữ tình để duy trì thế-giới, một chữ tài để tô điểm càn-khôn" (Trương Trào).
Trong đôi mắt hùng-thị ấy, rực sáng vì đã rực sáng không ở bên trong mà cũng chẳng ở bên ngoài nói như Phạm Công Thiện, người t[h]a đã thấy những gì?
Tâm-tình cuả bậc long-tượng, thật khó diễn tả hết thành lời...
Quyển sách như một món quà mà chỉ riêng tuổi trẻ mới có nhiều cơ-may thành tựu, để dâng lên đấng tôn-sư đã một đời dấn thân vì tuổi trẻ & dân-tộc.
Tuổi trẻ lên đường !
241113-wed-18h53m
- Trần Đăng Thành
"Một công trình thật quý báu."
- Một Huynh trưởng GĐPT.
"Thích sách lắm."
- Độc giả.
Nếu ví cuộc đời là một dòng chảy bất tận, thì nhân duyên quy y với hai bậc đại sư uyên thâm như Ôn Tuệ Sỹ và Ôn Lê Mạnh Thát chính là khoảnh khắc mà dòng chảy ấy rực sáng. Dẫu ít có cơ hội ngồi dưới chân hai bậc thầy để lắng nghe những lời giáo huấn, nhưng hành trạng, tác phẩm và tinh thần của các Ngài đã trở thành ngọn đèn soi sáng cho hành trình học đạo của tôi.
Ôn Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, không chỉ là một bậc trí giả hiếm có, mà còn là một biểu tượng văn hóa, hội tụ tinh hoa từ Đông Tây kim cổ. Những áng thơ như Ngục Trung Mị Ngữ hay các bài pháp thoại của Ôn không chỉ toát lên vẻ uyên bác mà còn đậm tính nhân bản, giản dị. Nhưng trên hết, điều làm nên dấu ấn của Ôn chính là tinh thần vô úy – một phẩm chất hiếm hoi và đáng kính. Trong những năm tháng thử thách khốc liệt sau 1975, Ôn đối mặt với nghịch cảnh không chỉ bằng trí tuệ sắc bén, mà còn bằng lòng can trường, như một minh chứng sống động cho ý chí vượt thoát khỏi mọi giới hạn của hoàn cảnh.
Tinh thần ấy, nếu soi dưới ánh sáng lịch sử và triết học, tựa như một ngọn lửa vừa dẫn đường, vừa thanh tẩy. Khi Ôn nhắn nhủ: “không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực” lời nói ấy không chỉ là lời dạy, mà là một tuyên ngôn đầy tính triết lý, làm kim chỉ nam cho những ai tìm kiếm sự thật và chân lý trong đời sống tâm linh.
Di sản của Ôn, vì thế, không chỉ dừng lại ở cá nhân mà đã trở thành biểu tượng cho cả một thời đại. Ôn nhắc nhở chúng ta rằng, sự học chân chính không dừng lại ở việc tích lũy kiến thức, mà là học để sống, để chuyển hóa nội tâm và biến cuộc sống thành một hành trình ý nghĩa.
Là một đệ tử, tôi cảm nhận sâu sắc rằng giá trị mà Ôn để lại không nằm trong lý thuyết suông, mà chính từ hành trạng đời thường của Ngài – một con người luôn đặt chân lý lên trên mọi giá trị hư danh, và cuộc đời Ngài là một minh chứng sống động cho tinh thần ấy - một đời trọn vẹn trong ý nghĩa sâu xa của chữ “Tuệ”. Nhìn vào những giá trị ấy, tôi hiểu rằng, vinh dự được em Hiếu cho góp cái bản mặt vào cuốn Bách Dư Niên Hậu Sử Truyền Đăng không chỉ là niềm vinh hạnh, mà còn là một lời nhắc nhở sâu sắc. Đó là trách nhiệm phải sống và hành động sao cho xứng đáng với di sản tinh thần mà các bậc thầy đã truyền trao—một di sản được thắp sáng bởi trí tuệ, lòng từ bi và tinh thần vô úy vượt thời gian.
- Quang Vũ
Sách có thể đặt tại đây.
Bình luận (0)
Viết bình luận :