-
-
-
Phí vận chuyển: Tính khi thanh toánTổng tiền thanh toán:
-

Đăng bởi : Admin 01/04/2025
Tuệ Sỹ:
Cái giá đèn – con chuột đói và hai đầu gối
Những khát vọng này tiếp theo những khát vọng khác, như những cơn khát dưới mùa nóng cháy trong một ngày, chưa hề có một ly nước vĩnh viễn. Cái hứa hẹn: một lần thôi nhá! Vẫn y nhiên là cái hứa hẹn của một thời. Chỉ một thời duy nhất mà thôi; một thời ấy cũng có đủ cả lần đầu và lần cuối. Những lúc như thế, lời nói nghe ra thành khẩn biết bao. Mấy ai đã có thể nói được một câu bông đùa trước khi quyết ý sẽ không bao giờ quay trở lại. Lúc này, nghiêm trang không chỉ là một cử chỉ cố tình. Người ta nói thật nhỏ nhẹ, nói bằng hơi thở từ một cõi miền thầm lặng sâu xa nào đó. Ngày hôm sau, lỡ như tình cờ ghé lại, cũng phải cố nói bằng hơi thở, nhưng thở dài hơn. Đấy có phải là thứ hơi thở già dặn của những người biết đi và biết đến? Hay nó là hơi thở mòn mỏi thời qua một lỗ trống giữa lòng người? Nước đổ không đầy, lửa đốt không cháy, nóng lạnh không can dự, mưa gió dù lớn cũng chẳng làm gì được; quyết không thể hiểu nó là gì. Chỉ có thể hiểu một cách mập mờ: hình như là mong ước có một lần bỏ đi và một lần chết để được một lần trở về và một lần sống lại. Nơi này, rồi sẽ thấy lại ngọn núi đời đời vẫn đứng mãi đấy mà đóm bóng chiều. Núi đá, dốc thẳng, vực sâu; trong một thời buổi xa xưa kia, đã từng có những người nhất định nhắm mắt lao đầu thẳng tới. Sắn bìm, họ bứt hết; cây cối, họ nhổ bật gốc rễ hết. Không chờ đợi; hãy để cho chờ đợi nằm trong cái chờ đợi ngàn đời. Họ sẽ đi tới, rồi một phút sa chân, vĩnh viễn rơi xuống dốc thẳng, rơi tựa hồ như không bao giờ dừng lại nữa. Chết trong cái chết không bao giờ đến. Bên trên kia, con suối vẫn ngàn đời róc rách. Nó ngàn đời kêu róc rách để cho người cứ mãi rơi xuống và để cho thời gian cứ mãi trôi qua:
Je chante pour passer le temps
Petit qu’il me reste de vivre
Comme on dessine sur le givre
Comme on se fait le coeur content
A lancer cailloux sur l’étang
Je chante pour passer le temps.
(Aragon)
Đấy chỉ là tình cờ, chẳng biết cơ duyên nào đưa đẩy, cứ nghe tiếng đàn ấy mà cơ hồ như mình đang hát cho ngày tháng trôi qua. Thời gian trôi qua, chỉ để lại trên môi người một chút hơi thở. Như những nốt ruồi buồn thiên cổ được vẽ lên trên giọt sương sớm. Như nhẫn tâm ngồi liệng từng viên sỏi xuống mặt hồ. Hát cho thời gian trôi qua. “Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời. Cho lòng thôi hết thương ai.”
Đấy chỉ là tình cờ. Ấy thế mà con chim nhỏ vẫn “ca hát suốt đêm dài trên cành dương xanh biếc”; hát cho những người không còn biết hát nữa nghe; hát cho những người
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi.
(Hoài Khanh)
Có thể nào thay thế những tiếng hát ấy bằng tiếng cười được không? Bởi vì, đây vẫn là nơi chốn của núi đá, dốc thẳng và vực sâu; đây vẫn là nơi có ngọn núi đứng mãi trong bóng chiều:
Áp đầu xuân thủy nồng như nhiễm
Thủy diện đào hoa lộng xuân kiểm
Suy ông tống khách thủy biên hành
Sa thấu mã đề ô mạo điểm
Ngang đầu vấn khách kỷ thời qui
Khách đạo thu phong lạc diệp phi
Hệ mã lục dương khai khẩu tiến
Bàng sơn y ước kiến tà huy.
(Tô Đông Pha)
Ông già ấy tiễn khách, buộc ngựa vào cành dương xanh biếc, nở nụ cười. Rồi sau đó, lấy gì thay thế cho tiếng cười, một khi ông tự tiễn mình lên tận miền Bắc giá buốt gần như quanh năm?
Chí như cái ngày lạnh cuối năm của đất này lại càng khủng khiếp, nếu tình cờ có khách quen từ phương Nam mang đến một chút hơi ấm; hơi ấm của tình người và của tấm lòng trời đất. Nó khủng khiếp như người đứng trên chóp núi chênh vênh. Không phải sự khủng khiếp của cơn lạnh, mà chính là sự khủng khiếp của một năm sắp đi qua và một ngày cuối năm sắp tắt, giữa cái lặng lẽ không cả đến nắng chiều. Ban đêm, ông ngồi khơi đống tro lạnh, nghe từng tiếng mưa rơi; đưa tay che mắt để bớt cái sáng chói của ngọn đèn, một người bạn của tình già; che mắt trong dáng đọc văn thơ, nhưng văn thơ chẳng còn đọc được nữa Ông làm thơ:
Nam lai bất giác tuế tranh vanh
Dạ bát hàn hôi thính vũ thanh
Già nhãn văn thơ nguyên bất độc
Bạn nhân đăng hỏa diệc đa tình.
Một ông già, một đống tro, một ngọn đèn, một trời mưa xứ lạnh: chừng ấy đã đủ hay còn thiếu, nếu muốn dành cho một khoảng trống giữa lòng người? Nơi đây vẫn còn có một điệu cười. Nguyên lai, trong cái tuổi học trò, giá chân đèn ấy đã từng là người bạn giao đầu đọc sách. Rồi từ cửa son cửa đỏ, nay cũng y nhiên như tuổi học trò. Ông già lại làm tiếp bốn câu thơ, ý nói: Than ôi! Ta lận đận thế này chẳng trông thấy ngày về, để cho cháu – khách – cũng dây dưa hơn nửa đời người Ngài Hàn Dũ khỏi phải lên giọng cảm thán chuyện đời. Này nhé: đây bạc đầu vẫn còn ngồi nhìn cái giá đèn ngắn tự thuở nào:
Ta dư lạo đảo vô qui nhật
Linh nhũ ta đà dĩ bản sanh
Miễn sử Hàn Công bi thế sự
Bạch đầu hoàn đối đoản đăng khanh.
Bấy giờ, thêm một con chuột đói nữa là tương xứng với hai đầu gối của ông:
Tâm suy diện cải sấu tranh vanh
Tương kiến duy ứng thức cựu thanh
Vĩnh dạ tư gia tại hà xứ
Tàn niên tư nhữ viễn lai tinh
Úy nhân mặc đọa thành si độn
Vấn cựu binh hô bán tử sanh
Mộng đoạn, tửu tinh, thu vũ tuyệt,
Tiếu khan cơ thử thượng đăng khanh.
Nay mới nghe lại tiếng cười. Chẳng hiểu đó là thấy tiếng gì? Bởi đây chỉ có con chuột đói đang cố leo lên chân đèn. Nay xin diễn ý cả bài thơ:
Lòng thì mỏi mà mặt mày thì hốc hác, như dốc núi chênh vênh
Gặp nhau, chỉ còn nhận ra nhau qua tiếng nói ngày cũ
Đêm dài bất tận, nghĩ nhớ quê hương đâu đây
Năm hết rồi, nay lại nhận được cái tình xa đến của cháu
Sợ người, ngồi lặng thành ngơ ngác
Hỏi thăm bạn bè, hỡi ôi, đã chết phân nửa
Mộng dứt, rượu tỉnh, mưa tan hết
Nhìn và cười con chuột đói leo lên chân đèn.
Thú thật, tôi chẳng nghĩ ra hai bài thơ này muốn nói gì. Nghĩ cái cảnh ngộ của một ông già bị đày vì chống Vương An Thạch và những người chết vì chống Tân Pháp của Vương An Thạch; không lẽ đây là sử liệu? Người viết chỉ cảm thấy một đôi điều ngộ nghĩnh: một cái giá đèn, một con chuột đói và hai đầu gối chênh vênh của một ông già giữa cơn mưa lạnh ở miền Bắc Trung Hoa. Có lẽ những khát vọng bình sinh của một người cũng nhiều bằng con chuột đói và sự đời chênh vênh như hai cái đầu gối của ông già này là cùng. Nói thế đâm ra đùa cợt giữa lúc ai cũng phải nghiêm trang và thận trọng. Vậy, mong cố nói một đôi lời bằng một chút khẩn thiết, độc giả hẳn không lấy thế làm cười!
Người viết có chỗ nghĩ của mình, nhưng cây viết lại có đường lối riêng của nó. Tai hại thay cái lối “nghìn tầm gởi bóng tùng quân, tuyết sương che chở cho thân cát đằng” này.
Sắn bìm chút phận cỏn con.
Tuệ Sỹ
Bài viết đăng tại Tạp chí Vấn Đề số 49, tháng 8/1971
Bình luận (0)
Viết bình luận :