HỆ THỐNG CẤP BẬC CỦA HUYNH TRƯỞNG GĐPT VIỆT NAM VÀ LỘ TRÌNH TU HỌC

11/02/2025

HỆ THỐNG CẤP BẬC CỦA HUYNH TRƯỞNG GĐPT VIỆT NAM VÀ LỘ TRÌNH TU HỌC.

[Bài viết chỉ thuần mang tính chất kiến giải tự thân]

Hệ thống cấp bậc của Huynh trưởng thuộc tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam được chia thành 4 cấp lần lượt mang tên: Cấp Tập, Cấp Tín, Cấp Tấn và Cấp Dũng.

Thế nào có nghĩa là “Tập”?

Tập có nghĩa là học đi học lại, là luyện tập, là làm cho thông thạo, là quen thuộc, là thấu rõ, là rành rẽ. Cấp Tập là kết quả sau quá trình học tập Bậc Kiên – với ý nghĩa là bền vững, cương quyết, không lo sợ và bậc Trì – với ý nghĩa là gìn giữ, bảo quản. Người Huynh trưởng với tâm cương quyết, tâm không sợ hãi rồi dẫn đến hành động gìn giữ và bảo quản. Vậy người Huynh trưởng gìn giữ cái gì và bảo quản cái gì? Người Huynh trưởng gìn giữ và bảo quản chủng tánh bất đoạn của Như Lai. Chủng tánh đó là gì? Chủng tánh đó chính là Như Lai tạng tính – kho tàng Chánh Pháp của Như Lai luôn luôn thường hằng nơi mỗi chúng sanh. Do vậy, trại Huấn luyện Sơ cấp có tên Lộc Uyển – nơi chuyển vận bánh xe Chánh Pháp và trại Huấn luyện Cấp I có tên A Dục – tâm nguyện hộ trì Chánh Pháp. Khi có kho tàng Như Lai ấy ở tự thân, người Huynh trưởng bắt đầu phát triển cái kho tàng ấy thông qua những hành động cụ thể - đó chính là Tập.

Vậy người Huynh trưởng “Tập” cái gì, học đi học lại cái gì, thông tạo cái gì, thấu rõ cái gì, rành rẽ cái gì?

Người Huynh trưởng cần “Tập” 2 yếu tố, đó chính là Phước và Trí.

Phước là gì? Phước là sự thân cận thiện sĩ và thực hành các hạnh lợi tha mà cụ thể được biểu hiện bằng 6 con đường đưa đến Giải thoát – Lục độ Ba-la-mật bao gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

Trí là gì? Trí này thuộc phạm trù thế gian pháp; mà chính xác, Trí này chính là “Đa văn” – cố gắng học tập và nâng cao kiến thức Phật học. Người Huynh trưởng thực hành hạnh Đa văn để làm gì? Người Huynh trưởng thực hành hạnh Đa văn với 2 mục đích. Đối với tự thân, sau khi “Thân cận thiện sĩ”, Đa văn chính là yếu tố nền tảng của việc thực hành hạnh Bồ-tát: Thính văn Chánh Pháp, Như lý tác ý, Pháp tuỳ pháp hành. Đối với tha nhân, Đa văn chính là nhiệm vụ của người Huynh trưởng. Huynh trưởng phải học tập Chánh Pháp một cách nghiêm túc mới có thể chu toàn nhiệm vụ “đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên thành Phật tử chân chánh”.

Phước và Trí ở đây, chính là những hành động cụ thể của thân và khẩu. Đối trị với thân bất thiện và khẩu bất thiện đó là Giới. Giới là sự phòng hộ của thân và khẩu, để đưa thân và khẩu đến thiện pháp. Nhưng đối trị với tâm bất thiện thì chỉ có Định mới đủ công năng.

Vậy đâu là nội lực để người Huynh trưởng có thể thuần thục 2 yếu tố Phước và Trí ở cấp Tập? Nội lực đó chính là Định.

Khi Định phát triển, các tâm bất thiện sẽ được chuyển hoá thành tâm thiện. Từ tâm thiện này làm động lực đưa đến thân thực hành thiện và khẩu thực hành thiện. Chính nơi Định này, 4 tâm vô lượng của người Huynh trưởng được nuôi lớn đó là: Từ, Bi, Hỷ và Xả. Bốn tâm vô lượng này được trang bị thêm sức mạnh của việc phát tâm hoằng dương Chánh Pháp thông qua tâm nguyện của ngài Huyền Trang – tên trại Huấn luyện Cấp II; điều này dẫn đến kết quả khi người Huynh trưởng rốt ráo tư duy, rốt ráo quán niệm; thì bên trong người Huynh trưởng sẽ có sự rốt ráo nơi niềm tin, đây chính là “Tín”. Vậy người Huynh trưởng cần tin những gì?

Đối với người Phật tử thông thường, có 4 niềm tin bất hoại mà mỗi người cần gìn giữ, đó là: niềm tin bất hoại đối với Đức Phật, niềm tin bất hoại đối với Chánh Pháp, niềm tin bất hoại đối với Tăng Già và niềm tin bất hoại đối với Thánh Giới. Bên cạnh đó, người Huynh trưởng không chỉ là người Phật tử mà còn là một người Huynh trưởng của Tổ chức GĐPT Việt Nam. Do vậy, người Huynh trưởng còn phải có niềm tin vào Tổ chức GĐPT Việt Nam – tổ chức giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên với mục đích cao đẹp “Đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

Từ Tứ bất hoại tín và niềm tin vững chắc nơi Tổ chức, người Huynh trưởng bắt đầu gia tâm vào công việc gia tăng sức mạnh, gia tăng khả năng của tự thân – đây chính là “Lực”. Người Huynh trưởng giờ đây không chỉ phải nâng cao phẩm giá tự thân, nâng cao sở học tự thân; mà còn phải nâng cao những giá trị cao đẹp của một người Phật tử. Sự cố gắng liên tục không gián đoạn của việc nâng cao này đó chính là “Tấn”. Người Huynh trưởng cố gắng làm việc gì? Người Huynh trưởng cố gắng cải tạo bất thiện nghiệp và phát triển các thiện nghiệp.

Khi các yếu tố nội tại đã được trang bị chu toàn, người Huynh trưởng sẽ có khả năng dùng phương tiện thiện xảo đưa chúng sanh tiếp cận được Thực Huệ - đây chính là “Dũng”. Chiều rộng của việc hoằng dương Chánh Pháp được cộng hưởng cùng chiều sâu của phương tiện quyền xảo mà người Huynh trưởng vận dụng mà làm phát triển Chánh Pháp – đây chính là tinh thần của ngài Vạn Hạnh – tên trại Huấn luyện Huynh trưởng Cấp III. Vậy “Dũng” được vận hành như thế nào?

Nội lực của Dũng đó chính là 2 yếu tố “Bi” và “Trí” và sức mạnh của Dũng được biểu hiện qua 2 yếu tố đó chính là “Nguyện” và “Hành”. Bi và Trí là 2 bánh xe vĩ đại chuyển vận cỗ xe Chánh Pháp của Phật giáo Đại thừa. Từ tình thương rộng lớn và nhận thức siêu việt, người Phật tử nói chung và người Huynh trưởng nói riêng thực hành các hành động trọn vẹn 2 yếu tính đó là tự lợi và lợi tha – đây chính là Hành; trên nền tảng hướng về một mục đích duy nhất – đây chính là Nguyện. Người Huynh trưởng Hành điều gì? Người Huynh trưởng hành 4 Nhiếp sự đó là: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Người Huynh trưởng Nguyện điều gì? Người Huynh trưởng Nguyện bằng chất liệu và yếu tính của Bồ-tát: “Phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát hạnh, hành Bồ-tát đạo và chứng Bồ-đề quả”.

Như vậy, 4 bậc học Kiên, Trì, Định, Lực của người Huynh trưởng có thể xem là giai đoạn Tư Lương; và 4 cấp bậc Tập, Tín, Tấn, Dũng của người Huynh trưởng có thể xem là giai đoạn Gia Hành trong quá trình tu học của người Huynh trưởng GĐPT Việt Nam. Từ Tư lương và Gia hành này, người Huynh trưởng dần dần phát triển thành giai đoạn Kiến Đạo và Tu Đạo; để từ đó đạt được giai đoạn giải thoát Cứu Cánh của quá trình tu học thông qua quá trình: tu học Chánh Pháp – Lộc Uyển, hộ trì Chánh Pháp – A Dục, hoằng dương Chánh Pháp – Huyền Trang và phát triển Chánh Pháp – Vạn Hạnh.

Kỷ niệm ngày tân thăng cấp Tín: 09/02/2025.
Tuệ Quý - Phước Châu

Bình luận (0)

Viết bình luận :