VÀI SUY NGHĨ VÀ NHẬN XÉT VỀ VIỆC PHIÊN DỊCH CÁC THUẬT NGỮ TRIẾT HỌC TẠI VIỆT NAM

21/03/2025

VÀI SUY NGHĨ VÀ NHẬN XÉT VỀ VIỆC PHIÊN DỊCH CÁC THUẬT NGỮ TRIẾT HỌC TẠI VIỆT NAM

Bảo Tích

Bài viết này đưa ra một vài suy nghĩ và nhận xét của chúng tôi khi đề cập đến vấn đề thuật ngữ được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là trong triết học, bởi đây là một trong những khía cạnh quan trọng tạo nên tính khoa học khi tìm hiểu, học và nghiên cứu những bộ môn này. Để chuyển tải chính xác nội dung của một văn bản triết học, chúng ta tất yếu phải có những thuật ngữ chính xác, có tính hệ thống và khoa học. Khi các thuật ngữ bị sử dụng sai lệch, việc truyền đạt thông tin chắc chắn sẽ không thể đúng. Triết học Tây phương không hề là lĩnh vực mới ở Việt Nam; trong vài thập niên vừa qua, rất nhiều tác phẩm triết học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt và cũng nhiều tác phẩm về triết học được biên soạn bằng tiếng Việt. Một số từ trong tiếng Việt giờ đây đã trở thành ‘thuật ngữ chuẩn’ để dịch các thuật ngữ tương ứng trong tiếng Anh hay tiếng Đức. Nhưng chúng ta có thể dừng lại ở đây một chút để đặt câu hỏi, đó là, những thuật ngữ được coi là ‘chuẩn’ này có thực sự chính xác để được sử dụng trong khi dịch văn triết học hay không? (Suy cho cùng thì việc đặt ra và theo đuổi đến cùng những câu hỏi về những vấn đề tưởng chừng như hiển nhiên là một phần thiết yếu của triết học.)

Bài viết này được viết bởi những người đã từng làm việc với các văn bản được viết bằng các sinh ngữ châu Âu hiện đại là tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, hoặc bằng một số cổ ngữ Ấn-Đức như tiếng La-tinh, tiếng Hi-lạp cổ đại và tiếng Phạm (Sanskrit), và có kiến thức chuyên môn về Hán văn, cả Cổ văn lẫn Tân văn. Do vậy, những suy nghĩ được trình bày tại đây không phải chỉ là những suy nghĩ chủ quan, ‘theo thói quen’ hoặc ‘áp đặt’, mà có một cơ sở ngôn ngữ vững chắc, nhằm so sánh, đối chiếu kĩ lưỡng nội hàm những thuật ngữ trong nguyên ngữ và thuật ngữ tương ứng trong tiếng Việt. Trong quá trình so sánh, đôi lúc chúng tôi sẽ trích dẫn định nghĩa được tìm thấy trong những từ điển tiếng Việt hiện đang được sử dụng; tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc coi từ điển là cơ sở duy nhất cho những lập luận của mình. Ngược lại có lẽ sẽ đúng hơn, việc sử dụng từ điển mới chỉ là bước đầu tiên trong công việc tìm chọn cách dịch thuật ngữ, những yếu tố khác như sự cảm nhận ngôn ngữ, sự quan tâm đến văn cảnh cụ thể và khả năng tư duy phán đoán cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong công việc này.

[...]

Nguyên bản PDF ở đây: (link mới với bài viết đã được chỉnh sửa một số lỗi sai nhỏ)

Nguồn: Bảo Tích

 

Bình luận (0)

Viết bình luận :