-
-
-
Phí vận chuyển: Tính khi thanh toánTổng tiền thanh toán:
-
Triết học và vấn đề xã hội - Bìa mềm
145.000₫
162.000₫
Mô tả :
Tác giả: Will Durant
Dịch giả: Phạm Viêm Phương
Nhà xuất bản: NXB Tri Thức
Phát hành: Khai Tâm
Số trang: 344
Hình thức bìa: Bìa mềm
Ngày xuất bản: 12/2020
Trọng lượng (gr): 350
Dẫn nhập
Mục đích của luận văn này là cho thấy: thứ nhất, vấn đề xã hội là mối quan tâm căn bản của nhiều triết gia vĩ đại; thứ nhì, cách tiếp cận vấn đề xã hội thông qua triết học là điều kiện đầu tiên cho một cách xử lý thành công vấn đề này dù chỉ ở mức độ khiêm tốn; và thứ ba, một hướng tiếp cận triết học thông qua vấn đề xã hội thì rất cần thiết cho sự phục sinh của triết học.
Thuật ngữ “triết học” ở đây chúng ta nên hiểu đó là một nghiên cứu về kinh nghiệm nói chung, hoặc về một bộ phận kinh nghiệm trong mối tương quan với tổng thể.
Với “vấn đề xã hội” chúng ta nên hiểu, một cách đơn giản và rộng rãi, như vấn đề giảm thiểu bất hạnh của con người bằng cách điều chỉnh những định chế xã hội. Nó là một vấn đề vốn, từng tự nó tái định hình, luôn thoát khỏi sự định nghĩa sắc bén hơn; bởi vì bất hạnh có liên quan đến khát vọng, và khát vọng thì mang tính cá nhân và không ngừng thay đổi: Mỗi chúng ta nhìn vấn đề này một cách không ổn định xét theo nguyện vọng thường thay đổi của mỗi người. Dĩ nhiên, nó là vấn đề phức tạp một cách khó chịu, và chúng ta phải nhớ rằng giới hạn cho ý định của chúng ta ở đây là xem triết học như một cách tiếp cận vấn đề này, và xem bản thân vấn đề như một cách tiếp cận triết học. Chúng tôi không đề xuất giải pháp nào cả.
Chúng ta hãy, như một chừng mực định hướng tốt đẹp, chạm tới một số đỉnh cao trong lịch sử triết học, đồng thời có quan tâm đến lợi ích xã hội vốn ẩn trong mọi mê cung siêu hình học. Giáo sư Woodbridge có nói, “Aristotélēs [Aristotle][1] định cho người viết luận văn cái kiểu mở đầu luận văn bằng việc tổng lược những ý kiến đã có từ trước về đề tài, và chứng minh mọi ý kiến ấy đều sai.”1 Mục tiêu của năm chương tiếp theo sẽ hơi trái ngược đi một chút: Chúng tôi sẽ xem liệu một số hệ triết học được coi như đã chết có cho phép sự hồi sinh đáng kể hay không. Thay vì cố gắng chứng tỏ rằng Sōkrátēs [Socrates], Platōn [Plato], Bacon, Spinoza, và Nietzsche là hoàn toàn sai lầm trong cái nhìn của họ về vấn đề xã hội, chúng tôi sẽ cố tìm xem có điều gì trong cái nhìn của họ có thể giúp chúng ta hiểu được tình hình của chính chúng ta ngày nay. Chúng tôi sẽ không làm một bộ sưu tập các hệ thống triết học xã hội; chúng tôi sẽ không đắm mình vào quá khứ trong một nỗ lực học thuật nhằm nối kết mỗi hệ triết học với hoàn cảnh xã hội và chính trị của nó; thay vì thế chúng tôi sẽ cố liên hệ những hệ triết học ấy với hoàn cảnh của chính chúng ta, để nhìn vào những vấn đề của chúng ta lần lượt qua con mắt của những triết gia đó. Đối với những cách lý giải khác về các triết gia này, chúng tôi sẽ tìm cách bổ sung hơn là cố phản bác.
Như thế, mỗi chương trình bày theo lịch sử của chúng tôi sẽ là một dẫn nhập và một triển khai hơn là một tổng lược. Mục đích sẽ không phải là viết ra một tác phẩm lịch sử hoặc phê bình, mà là một cách lý giải qua đại diện. Đây là một phương pháp vốn có những khuyết điểm của nó: Ví dụ, nó hy sinh tính thấu đáo về học thuật để trình bày tính khả dụng, và sẽ đòi hỏi việc thu nhặt đi thu nhặt lại những mạch ý tưởng khi sau này chúng tôi đi đến mục tiêu riêng tư hơn. Nhưng như một khoản đền bù phần nào cho điều này, chúng tôi sẽ tránh không xem xét quá khứ ngoài khía cạnh như nó thực sự là hiện tại, ngoài khía cạnh như nó còn sống và có ý nghĩa bổ ích ở ngày nay. Và từ mỗi nghiên cứu có lẽ chúng tôi sẽ thực hiện được bước tiến nào đó về phía nỗ lực sau cùng của chúng tôi - việc làm sáng tỏ chung cho vấn đề xã hội và triết học.
______________
Lời giới thiệu
Triết học có thể cai trị
William James Durant (1885-1981) là tác gia, sử gia và triết gia người Mỹ. Ông cực kỳ nổi tiếng với bộ sách 11 tập The Story of Civilization (Câu chuyện Văn minh) viết chung với vợ ông, Ariel Durant, từ năm 1935 đến năm 1975. Trước đó ông được nhắc đến với tác phẩm The Story of Philosophy (Câu chuyện Triết học; 1924), được xem là “công trình đặt nền móng cho sự phổ cập triết học.” Cuốn sách này nhanh chóng trở thành best-seller, giúp ông có đủ điều kiện tài chính thoát khỏi công việc dạy học để dành hết thời gian gần bốn thập kỷ cho bộ “Câu chuyện Văn minh”. Ông và vợ được trao Giải thưởng Pulitzer cho hạng mục sách Phi hư cấu năm 1968 và Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ năm 1977.
Bạn đọc Việt Nam lâu nay đã biết đến ông qua các tác phẩm Lịch sử Văn minh Trung Hoa; Lịch sử Văn minh Ả Rập; Lịch sử Văn minh Ấn Độ; Bài học của Lịch sử do Nguyễn Hiến Lê dịch, đặc biệt là tác phẩm Câu chuyện Triết học do Trí Hải và Bửu Đích dịch.
Triết học và vấn đề xã hội chính là Luận văn Tiến sĩ đệ trình vào năm 1917 và được xuất bản ngay trong năm đó như tác phẩm đầu tay của ông.
Ngay ở phần dẫn nhập vào cuốn sách, tác giả minh định rõ:
Mục đích của Luận văn này là cho thấy: thứ nhất, vấn đề xã hội là mối quan tâm căn bản của nhiều triết gia vĩ đại; thứ nhì, cách tiếp cận vấn đề xã hội thông qua triết học là điều kiện đầu tiên cho một cách xử lý thành công vấn đề này dù chỉ ở mức độ khiêm tốn; và thứ ba, một hướng tiếp cận triết học thông qua vấn đề xã hội thì rất cần thiết cho sự phục sinh của triết học.
Ông quan niệm triết học như một ý hệ toàn thể, hay nói cách khác, triết học nhìn mọi sự vật dưới ánh sáng toàn thể như quan niệm của Spinoza. Ông tìm cách thống nhất và nhân văn hóa một khối lượng lớn kiến thức lịch sử triết học, vốn đã phát triển đến mức khổng lồ và trở nên phân mảnh rời rạc trong tay các chuyên gia bí truyền, và tìm cách hồi sinh nó để áp dụng vào cuộc sống đương thời.
Ông cho rằng triết học đang héo mòn và không phát triển được vì nó tránh né các vấn đề thực sự của xã hội.
Trong năm chương đầu (Phần I) tác giả khái lược quan niệm về vấn đề xã hội của năm đại triết gia: Sōkrátēs [Socrates], Platōn [Plato], Bacon, Spinoza, và Nietzsche. Bằng cái nhìn viễn cảnh lớn ông không tìm cách bác bỏ hay lờ đi mà “liên hệ” những triết thuyết khác nhau đó với các hoàn cảnh hiện tại.
Như một khối từ tính nhân văn khi đi ngược dòng lịch sử tìm về với các đỉnh cao triết học, tác giả thu hút vào mình những giá trị tinh túy nhất của từng triết gia khi họ bàn về “vấn đề xã hội”. Đây là lập trường của tác giả:
Thay vì cố gắng chứng tỏ rằng Sōkrátēs, Platōn, Bacon, Spinoza, và Nietzsche là hoàn toàn sai lầm trong cái nhìn của họ về vấn đề xã hội, chúng tôi sẽ cố tìm xem có điều gì trong cái nhìn của họ có thể giúp chúng ta hiểu được tình hình của chính chúng ta ngày nay. Chúng tôi sẽ không làm một bộ sưu tập các hệ thống triết học xã hội; chúng tôi sẽ không đắm mình vào quá khứ trong một nỗ lực học thuật nhằm nối kết mỗi hệ triết học với hoàn cảnh xã hội và chính trị của nó; thay vì thế chúng tôi sẽ cố liên hệ những hệ triết học ấy với hoàn cảnh của chính chúng ta, để nhìn vào những vấn đề của chúng ta lần lượt qua con mắt của những triết gia đó. Đối với những cách lý giải khác về các triết gia này, chúng tôi sẽ tìm cách bổ sung hơn là cố phản bác.
Hãy cùng tác giả khởi đầu hành trình với chương về Sōkrátēs mang tựa đề không thể thiết thực hơn: “Ý nghĩa hiện nay của đạo đức học Sōkrátēs”. Theo Will Durant, vấn đề xã hội trước hết là vấn đề đạo đức học:
Khi Sōkrátēs xuất hiện, ông ta thấy thế giới hoạt động bất ổn, một cuộc chiến mà trong đó mọi người chống lại nhau, một sự hùng hổ của những cá tính không được điều hòa đang lao tới cảnh hỗn mang. Và khi được hỏi: Con người phải làm gì để được cứu vớt; ông ta đã trả lời một cách đơn giản: Chúng ta hãy suy nghĩ.
Chẳng phải đó là bức tranh thường ngày của các xã hội chúng ta hiện nay sao? Sōkrátēs mang theo học thuyết “trí tuệ như một đức hạnh” như một liều thuốc đến cho thành phố Athína [Athens]. Will Durant quảng diễn học thuyết đó như sau:
Cái nào có cơ may sống còn hơn: một xã hội gồm những người “tốt” hay một xã hội gồm những người có trí tuệ? Trong chừng mực một người là “tốt” anh ta chỉ vâng lời, anh ta không khởi xướng. Một xã hội gồm những người “tốt” nhất thiết sẽ trì trệ; vì trong một xã hội như thế đức tính được đòi hỏi nhất, như Emerson diễn tả, là tính tuân thủ. Nếu những con người vĩ đại trồi ra qua khỏi lớp vỏ cứng băng giá này của tính tuân thủ, họ sẽ bị gọi là kẻ cơ hội và kẻ phạm pháp; cuộc sống của những người vĩ đại nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không thể làm cho cuộc sống của chúng ta thăng hoa mà vẫn là “tốt”. Nhưng trí tuệ như một lý tưởng đạo đức là một chuẩn mực tiến bộ; vì nó hàm ý việc sắp xếp tiến bộ cuộc sống của ta trong quan hệ đối chiếu với các lý tưởng tối hậu của ta.
Will Durant dừng lại với Platōn, người có niềm “đam mê cao độ […] đối với việc tái thiết xã hội thông qua kiểm soát trí tuệ; bởi vì ông ta giữ được trong suốt 80 năm của cuộc đời mình cái nhiệt huyết dành cho sự cải thiện con người […]; bởi vì ông quan niệm triết học như một công cụ không những để diễn giải, mà còn để tái định hình thế giới.”
Và ngay lập tức ông cung cấp cho ta chân dung một triết gia hành động:
Việc chúng ta phải làm, Platōn nói, là khiến mọi người mường tượng một thế giới tốt đẹp hơn để họ có thể thấy thế giới này là xấu xí, và có thể nỗ lực định hình nó lại. Chúng ta phải hình dung những mô thức hoàn hảo cho mọi vật, và “đánh đập” thế giới này cho đến khi nó tự thay đổi và có những hình dạng hoàn hảo này.
Rõ ràng, Platōn không bay bổng cao vời ở trên thế giới mô thức như chúng ta thường nghĩ. Will Durant viết tiếp:
Có một ý tưởng thiên tài của Platōn ở đây: Nó là một điểm mà bọn lạc hậu chúng ta đang tiến tới sau ông ấy khoảng 2.300 năm. “Tìm ra thiên hướng tự nhiên,” bắt được tàn lửa của ngọn lửa thần thánh trước khi thói tuân thủ rập khuôn dập nó tắt; đó là bước khởi đầu nhưng cũng là đỉnh cao cho nhiệm vụ của nhà giáo dục - initium dimidium facti.[1]
Nhưng đến với Platōn là đến với một phương diện cốt yếu của xã hội - phương diện chính trị. Triết lý chính trị của ông thực chất là việc đào tạo những chính trị gia theo mô hình nhà vua kiêm triết gia nổi tiếng của ông để điều hành nước Cộng hòa - Xứ Không tưởng do ông thiết kế ra vốn được Will Durant coi là thành quả tuyệt vời nhất thời cổ đại. “Cho đến khi các triết gia trở thành vua chúa, hoặc các vua chúa và hoàng thân trên thế giới đều có tinh thần và sức mạnh của triết học,… các thành bang sẽ chẳng bao giờ thoát được điều xấu, và loài người cũng vậy.”
Dĩ nhiên, đó là tinh túy của Platōn. Và Will Durant không ngần ngại viết: “Chết từ hai ngàn mấy trăm năm trước, nay Platōn thuộc về tương lai.”
Với Francis Bacon, tác giả dẫn ta đến với một lời khẳng quyết vĩ đại: “Trừ phi triết học và khoa học được tái sinh từ những mục tiêu xã hội và nhu cầu xã hội, nếu không chúng không thể có sức sống. Một tinh thần mới phải ra đời.”
“Tri thức là sức mạnh,” đó là khẳng quyết thứ hai của Bacon. Theo ông, không có gì mà chúng ta không thể làm, nếu chúng ta muốn. Vấn đề là chúng ta phải muốn. Cả châu Âu đáp lời ông kêu gọi “mở rộng cương giới của đế quốc con người”.
Tương tự như Platōn, ông cũng thiết kế đồ án Xứ Không tưởng của riêng mình; đó là một đất nước mà trong đó tổ chức khoa học này đã đạt quy mô vĩ đại do nhà nước chủ trì. Và một lần nữa ta nghe vang vọng Platōn khi ông tuyên bố mạnh mẽ: Hầu như không hề có trường hợp nào mà trong đó một chính quyền gồm những nhà cai trị có học mà lại không thịnh đạt.
Tóm lại, học thuyết của Francis Bacon là ứng dụng trí tuệ tốt nhất vào vấn đề trật tự xã hội.
Rời Francis Bacon trở về, Will Durant khuyên chúng ta hãy giữ trước mặt mình hình vẽ ưa thích của Bacon: một con tàu băng ra vùng biển lạ.
Từ giã một Bacon làm việc một cách hoan lạc và sôi nổi tới phút chót, tác giả đưa chúng ta đến gặp Spinoza với một phát hiện quan trọng, rằng vì tầm vóc và sự nổi tiếng của cuốn Ethica mọi người có khuynh hướng nghĩ về ông như là một nhà phiếm thần huyền bí hơn là một trí tuệ phối hợp, dân chủ và tư tưởng tự do; người ta quên rằng thay vì làm rối trí chính mình và người khác bằng tri thức luận, Spinoza nghĩ rằng tốt hơn ông nên cống hiến đời mình cho nhiệm vụ góp phần duy trì học thuyết thời Phục hưng về quyền tối cao của nhân dân. Với ông triết học là một thứ gì đó cao hơn một cuộc cờ cho các giáo sư.
Trước hết, Spinoza nói, tư tưởng phải được tự do tuyệt đối: Chúng ta phải có được lợi lộc khả dĩ ngay cả từ những ý kiến ngược chiều nguy hiểm nhất. Chàng Spinoza tưởng đâu bị Thượng đế bỏ bùa mê đã hoàn toàn tỉnh táo trước những vấn đề xã hội. Thay vì lặng lẽ ngồi chiêm ngưỡng Thượng đế trong tự nhiên, hay miệt mài ngồi mài kính để mưu sinh, ông lên tiếng về tự do ngôn luận và tự do diễn đạt như là phần cốt yếu trong chính trị học của ông. Ông nói rất ngắn gọn và quyết liệt: “Tư tưởng phải được tự do tuyệt đối.” Và: “Tự do ngôn luận cần được thừa nhận bởi vì nó phải được thừa nhận.” Vấn đề ngôn luận tự do này sẽ đẩy ông tới những vấn đề lớn hơn về “cá nhân đối kháng nhà nước”, nhưng ông biết rằng vấn đề đó chính là lý do tồn tại của triết học chính trị; và ông biết rằng quả thực vấn đề đó đi vào cốt lõi của triết học.
Di sản tinh thần, ở đây là di sản chính trị học, của Spinoza thật vĩ đại. Will Durant cho chúng ta biết:
Chính từ Spinoza mà J.-J. Rousseau rút ra được những ý tưởng về chủ quyền của dân chúng, về ý chí chung, về quyền cách mạng, về tính chính đáng của sức mạnh giúp con người được tự do, và về nhà nước lý tưởng như một nhà nước mà trong đó mọi công dân tạo thành một hội đồng với quyền lực tối hậu. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp và Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ phần nào cũng bắt nguồn từ những luận văn bị bỏ quên của nhà triết học lặng lẽ này ở Amsterdam. […] Người ta tự hỏi, tầm vóc thành tựu của người đàn ông này sẽ lớn tới đâu nếu ông ta không chết ở tuổi bốn mươi tư.
Sau cùng, Will Durant sẽ giới thiệu với chúng ta một đại triết gia tự nhận mình là “khối chất nổ”: Nietzsche!
Đó là con người của những cuộc tấn công không thương tiếc vào các hệ triết học, các hệ giá trị cổ truyền, đặc biệt là những giá trị của đạo Thiên Chúa.
Liên quan đến vấn đề xã hội, chúng ta đã nghe nói rằng tính đạo đức là một phương tiện mà kẻ mạnh sử dụng để kiểm soát kẻ yếu. Nhưng Nietzsche làm ngã ngửa chúng ta: “Nhiều phần sự thật hơn lại nằm ở chỗ tính đạo đức lại là một phương tiện để kẻ yếu kiểm soát kẻ mạnh, là xiềng xích mà tính yếu đuối nhẹ nhàng đặt vào chân của tính mạnh mẽ.”
Những phê phán “ác độc” của Nietzsche về dân chủ, nữ quyền, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa vô chính phủ, triết học hiện đại, và nhất là nền đạo đức cũ khiến chúng ta thoạt tiên thấy hầu như Nietzsche không còn liên hệ gì đến xã hội. Ông như kẻ điên đứng gào thét bên lề các cấu trúc xã hội và đạo đức của chúng ta.
Như thế vấn đề xã hội của Nietzsche mà Will Durant muốn khảo sát ở đây là gì? Là sản sinh ra các siêu nhân! Y là ai? Hãy thử phác họa vài nét về y:
Một con người cứng rắn, yêu thích hiểm nguy và khó khăn: Y cảm thấy cái gì không giết được mình sẽ khiến mình mạnh hơn; […] Y không tìm kiếm niềm vui mà kiếm công việc, không kiếm hạnh phúc mà kiếm trách nhiệm và thành quả. Y không biến triết học thành cái cớ để sống thận trọng và tách biệt, một thủ pháp để rút lui thành công khỏi trò chơi cuộc sống; y không đứng sang một bên và chỉ quan sát; y góp sức vào công việc; với y cốt tủy của triết học là cảm nhận nghĩa vụ và gánh nặng của cả trăm nỗ lực và cám dỗ, niềm vui của cả trăm cuộc phiêu lưu.
Will Durant phê bình nặng nề cái viễn tượng quá siêu hình này của Nietzsche, thấy gần như không có điều gì khả thủ từ trong vô vàn ý tưởng cách mạng của triết gia, ngoại trừ một lời kêu gọi hành động dành cho xã hội của các thế hệ sau: ý chí hùng lực mang tính chất quý tộc.
Với Giêsu, Nietzsche thất vọng bao nhiêu thì Will Durant hy vọng bấy nhiêu.
Sau khi dẫn dắt chúng ta đi qua năm hồi trong lịch sử của tinh thần tái thiết, Will Durant kết luận:
Nếu có bất kỳ bài học nào tỏa sáng qua mọi kính vạn hoa của lịch sử, đó là bài học rằng một hệ thống chính trị sẽ chết yểu nếu hiến chương của nó không đem lại điều khoản và phương tiện cho việc cải cách của chính nó. Tính uyển chuyển là tối thượng. Những lý tưởng của con người thay đổi và bỏ lại các quốc gia, định chế, và ngay cả thần linh, sau lưng nó. “Luật lệ và trật tự trong một đất nước” không phải là “nguyên nhân của mọi điều tốt đẹp”; chúng là sự bảo đảm cho những phúc lợi đạt được, nhưng chúng cũng có thể là trở ngại cho những phúc lợi được thai nghén. Một đất nước không có tự do phê phán và thay đổi, thì giống một chiếc thuyền buồm trong cảnh lặng gió; nó đứng được nhưng không di chuyển được.
Trong năm chương kế tiếp của Phần II, Durant tìm hiểu các giải pháp và mục tiêu, và trở lại lần nữa với luận điểm then chốt: Mục đích của triết học, sứ mệnh của triết học, là thúc đẩy sự phát triển và lan truyền trí thông minh trong nhân loại. Khác với lịch sử, vốn phục hiện quá khứ; triết học tìm cách tái thiết tương lai. Triết học không phân tích mà tổng hợp; không phạm trù hóa mà tái thiết và tái định hướng, sáng tạo từ sự đa dạng trộn lẫn trong nhiều phương thức khác nhau. Will Durant viết:
Chắc chắn chỉ có một việc đàng hoàng cho chúng ta làm: hoặc triết học có công dụng quan trọng cho cộng đồng, hoặc không. Nếu nó không có công dụng, chúng ta sẽ từ bỏ nó; nếu nó có thì chúng ta phải tìm ra công dụng quan trọng đó và cho mọi người thấy; chức năng xã hội của triết học là làm mới xã hội; nếu thế giới muốn được làm mới lại, nó sẽ phải nằm dưới sự hướng dẫn của triết học.
Triết học phải vững chãi hơn; nó phải trở thành sự chỉ đạo xã hội cho khoa học, và thật lạ, nó phải trở thành khoa học ứng dụng. Tương tự, chính khách cần cái gì nếu không phải ý thức về cái toàn thể vốn làm ra triết học, và cái mà triết học làm ra?
Trong viễn tượng đó, tác giả cho rằng nền chính trị Mỹ thiếu triết học, và để cứu vãn tình hình ông đề xuất ý tưởng “Tổ chức trí thông minh” mà ông chắc chắn đó là một phương pháp tiếp cận vấn đề xã hội. Hiện thực hóa ý tưởng đó là Hội nghiên cứu xã hội. Hội này sẽ quyết tâm điều tra bất cứ gì có ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề xã hội. Hội này trở thành tai và mắt có tổ chức của cộng đồng, sẵn sàng và hăng hái tìm kiếm mọi dữ kiện về đời sống và công việc của con người vốn có thể khai sáng ý chí của họ.
Một hội nghiên cứu như vậy sẽ là một kiểu ý thức xã hội, một “đầu óc của giống nòi”.
Đây là loại công việc cho bậc quân vương rồi!
Bất chấp mọi lời phản đối có thể tưởng tượng ra, đồ án Hội nghiên cứu xã hội của Will Durant vẫn có sức sống lâu dài và đồng thời với nó là cơ hội của triết học.
Triết học sẽ có một sứ mệnh và cơ hội to lớn, là tập trung và nối kết di sản của năm đại triết gia: lời bào chữa của Sōkrátēs cho trí thông minh; hy vọng của Platōn về những nhà vua kiêm triết gia; giấc mơ của Bacon về kiến thức được tổ chức và cai trị thế giới; sự kiên quyết nhẹ nhàng của Spinoza về nền dân chủ như con đường phát triển; và biện hộ sôi nổi của Nietzsche cho chế độ quý tộc và hùng lực.
Đó là một kế hoạch nhằm dân chủ hóa chế độ quý tộc; nó là Platōn được chuyển dịch vào nước Mỹ - Will Durant khẳng định.
Một trăm năm đã trôi qua kể từ khi cuốn sách sôi nổi này được viết ra, và có quá nhiều bằng chứng cho thấy nước Mỹ và phần nào đó châu Âu đã đi theo đồ án của Will Durant.
Mai Sơn
_______________
Mục lục
Lời giới thiệu (Mai Sơn)
Phần I: Hướng tiếp cận theo lịch sử
Dẫn nhập
Chương 1: Ý nghĩa hiện nay của đạo đức học Sōkrátēs
Chương 2: Platōn: Triết học như chính trị học
Chương 3: Francis Bacon và những khả thể xã hội của khoa học
Chương 4: Spinoza bàn về vấn đề xã hội
Chương 5: Nietzsche
Phần II: Những đề xuất
Chương 6: Những giải pháp và hóa giải
Chương 7: Chức năng tái thiết của triết học
Chương 8: Trí thông minh có tổ chức
Chương 9: Người đọc lên tiếng
Chú thích
Bảng dẫn
_______________
Cảm nhận
Khi nói tới “vấn đề xã hội” tác giả hàm ý vấn đề giảm thiểu cảnh khốn cùng của con người bằng cách điều chỉnh những định chế xã hội. Tác giả tin rằng giải pháp chỉ có thể tìm thấy qua triết học, và dành hai phần ba tác phẩm cho việc diễn giải những đóng góp của Sōkrátēs, Platōn, Bacon, Spinoza và Nietzsche cho việc cải thiện xã hội. Phần còn lại là lời biện minh cho danh giá và tầm quan trọng của tư duy triết học trong thời đại ngày nay. Dự kiến của ông là tổ chức lại trí thông minh của thế giới để cải thiện cuộc sống, giống như cả người Đức lẫn khối Đồng minh đã tổ chức các nguồn lực vật chất và tinh thần của thế giới để hủy hoại cuộc sống...
- C. E. Ayres, Journal of Educational Psychology, Vol 10(2), 1919, tr. 119.