-
-
-
Phí vận chuyển: Tính khi thanh toánTổng tiền thanh toán:
-
HIỆN TƯỢNG LUẬN PHẬT GIÁO (Bộ 2 cuốn) - Thích Nhuận Châu dịch - GS Lê Mạnh Thát giới thiệu
540.000₫
570.000₫
Mô tả :
Tác giả: Dan Lusthaus
Việt dịch: Thích Nhuận Châu
Khổ: 16x24cm, bìa cứng, 1220 trang
Nhà xuất bản: Dân Trí
Xuất bản: 2024
HIỆN TƯỢNG LUẬN PHẬT GIÁO
BUDDHIST PHENOMENOLOGY
Nghiên cứu triết học về Du-già hành tông (Yoga-ca-ra)
Phật giáo và Thành Duy thức luận (Ch’eng Weishih lun)
Tác giả: DAN LUSTHAUS
Dịch giả: Thích Nhuận Châu
LỜI GIỚI THIỆU
Những thập niên trở lại đây, các nhân sỹ tri thức và sinh viên các trường Đại học Tây phương quan tâm đặc biệt đến đạo Phật. Phân khoa Nghiên cứu Phật học (Buddhist Studies) được mở ra khắp các trường Đại học tại Hoa kỳ và các nước Âu châu. Nhiều trung tâm thiền học và ứng dụng chánh niệm Phật giáo nở rộ khắp nơi ở những thành phố lớn trên thế giới. Sở dĩ người Tây phương tìm về phương Đông như lời nhận định của Baird Spalding: “Phương Đông có những chân lý minh triết quan trọng đáng để cho người Tây phương nghiên cứu và học hỏi. Đã đến lúc người Tây phương nên quay về Đông phương để trở về với quê hương tinh thần đích thực.”[1] Quả thật như thế, thực trạng hành tinh chúng ta đang đối diện với khủng hoảng tinh thần mà khó tiên đoán được, sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, kỳ thị sắc tộc, bạo lực học đường, và nhiều vấn nạn bất trắc khác khiến cho bất cứ ai quan tâm đến sự phát triển bền vững và công bằng xã hội đều phải suy nghĩ. Trong bối cảnh đời sống cá nhân và cộng đồng xã hội đang đối diện với hàng loạt xung đột và bất hạnh diễn ra khắp nơi, điều đó sẽ dẫn tâm trí con người điên cuồng và rối loạn. Phật giáo với triết lý sống khai minh và giáo dục đạo đức, lấy tinh thần từ bi, bất bạo động và hóa giải thù hận có thể là một giải pháp cho các vấn nạn mà con người sống trong thiên niên kỷ này đang đối diện.
Người phương Tây nói chung luôn có tinh thần khai phóng, tức quan tâm học thuật, khoa học, đạo học, mong muốn chạm tới chân thiện mỹ để đạt được nhận thức và tri thức, bởi vì sống mà không có tinh thần khai phóng mở mang tri thức thì chẳng khác gì nấm mồ khốn khổ chôn chân con người. Ngày nay, tầng lớp tri thức và giới trẻ hướng về phương Đông học hỏi giáo lý đức Phật, thực tập thiền định ở các tu viện Phật giáo, hình ảnh ấy gợi lên một phong trào học thuật từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, hàng ngàn người trẻ Hoa kỳ đã bay qua Đại tây dương để học hỏi tinh thần khai phóng và khoa học uyên bác ở Đại học Đức quốc nhằm giải phóng sự kìm hãm và trì trệ tri thức ở những thế kỷ trước. Cộng đồng học giả thế giới không thể không biết tới Wilhelm von Humboldt (1767 – 1835), nhà cải cách giáo dục và khơi bày những nguyên lý và triết lý giáo dục ở University Humboldt (Berlin, Đức), đây được xem là chiếc nôi của nền Đại học hiện đại thế giới.[2] Những nhà giáo dục khai phóng tại các Đại học danh tiếng Hoa kỳ đều đã học tại Đức, tiêu biểu như Henry Philip Tappan (1805 – 1881) của University of Michigan, Charles William Eliot (1834 – 1926) của Harvard University, Andrew Dickson White (1832 – 1918) của Cornell University, Daniel Coit Gilman (1831 – 1908) của Johns Hopkins University, tất cả họ đều tắm cùng dòng suối hàn lâm học thuật ở Đức quốc. Từ đó, người Mỹ đã tạo ra một nền học thuật tinh hoa mang bản sắc đặc thù mà ngày nay thế giới phải ngưỡng mộ như đã từng có đối với Đại học Đức quốc trước đây.
Thật tế, vào hậu bán thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đã có nhiều nhân sỹ tri thức tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo mang tính hàn lâm học thuật. Trong số đó, đáng chú ý là Thomas William Rhys Davids[3] hay vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, Bhikkhu Bodhi[4] và một số vị khác, họ đã lặn lội sang phương Đông học cổ ngữ Pāli để phiên dịch những lời Phật dạy sang Anh ngữ cho người phương Tây hiểu về tư tưởng và pháp hành của Phật giáo. Bởi lẽ họ đã nhìn thấy tầm quan trọng và mục đích tối thượng của Phật giáo là hiểu rõ gốc rễ nổi khổ niềm đau của kiếp nhân sinh, đồng thời đưa ra phương pháp để bứng rễ và xóa bỏ chúng, xây dựng một tiềm năng tươi sáng cho những đức tính thiện vốn bị che lấp bởi các thói quen xấu thâm căn cố thủ trong tư duy, cảm xúc và hành động. Bởi vì: “Đức Phật giảng dạy theo đường hướng không đòi hỏi tín điều, mà bằng sự phản tỉnh và chiêm nghiệm. Phật pháp bao gồm những giáo thuyết và học lý khác nhau, nhưng hầu hết hết thảy đều là một tập hợp những phương pháp thực hành giúp chúng ta hành xử một cách cẩn trọng và từ ái hơn, vì lợi ích và hạnh phúc chân thật cho chính mình và cho tha nhân, học tập để trưởng dưỡng thái độ, tâm thái tích cực và hữu ích hơn, mang lại sự định tĩnh, tinh thần tỉnh táo và sức mạnh nội tâm, nhận ra và loại bỏ những nguyên nhân gây ra căng thẳng, phát triển nhận thức trí tuệ về bản chất cuộc đời, bao gồm những giới hạn và tiềm năng của con người.”[5]
Hiện nay nhiều nhà giáo dục đã quan tâm đến phương thức dự vào tinh thần Phật giáo ở các trường Đại học tại Hoa kỳ,[6] đây được xem như là mô hình giáo dục phát triển về đạo đức và nhân văn cho sinh viên nhằm góp phần giảm thiểu những vấn bất ổn về tinh thần như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm, và tự tử. Đồng thời nâng cao phẩm chất thánh thiện như lòng trắc ẩn, bao dung, thao thức nhằm cải thiện thành tích học tập và giáo dục toàn diện bản thân (whole person).[7] Đó là một hướng giáo dục rất đáng để chúng ta nghiêm túc ứng dụng trong các nền giáo dục ở mọi quốc gia ngày nay.
Hiện tượng luận Phật giáo (Buddhist Phenomenology) là công trình khảo cứu về Tâm lý và Triết học thông qua tư tưởng của Du-già hành tông Phật giáo (Yogācāra Buddhism) và Thành duy thức luận (Ch’eng Weishih lun). Tác phẩm này đã được giới nghiên cứu Phật học đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi mới xuất bản lần đầu vào năm 2002, sau đó được tái bản nhiều lần. Tác giả, Dan Lusthaus, ông tốt nghiệp Tiến sỹ về Tôn giáo học tại Temple University – Pennsylvania. Tiến sỹ Dan Lusthaus là học giả và tác giả nhiều công trình nghiên cứu Phật học có giá trị hàn lâm học thuật. Ông là giáo sư giàu kinh nghiệm, tham gia giảng dạy tại các trường Đại học danh tiếng tại Hoa kỳ, như University of California – Los Angeles, Florida State University, the University of Missouri, Boston University, và hiện nay là Giáo sư tại Phân khoa nghiên cứu về Đông nam á tại Harvard University.
Hiện tượng luận Phật giáo là một công trình khảo cứu khá công phu và tương đối đầy đủ cho sinh viên nghiên cứu Phật học, đặc biệt dành cho sinh viên muốn tìm hiểu chuyên sâu về Tâm lý học Phật giáo. Dan Lusthaus đã soạn thảo một giáo trình về Duy thức học, hiểu về sự vận hành của tâm theo một trình tự sơ đẳng đến nâng cao. Thông qua tác phẩm này có thể giúp cho người mới tiếp cận giáo lý của đức Phật dễ dàng đón nhận vì có một hệ thống minh bạch. Đối với các độc giả sơ khai khi tiếp cận giáo lý duy thức học giống như kẻ lữ hành lạc lối giữa đại dương mênh mông mà không có bản đồ định hướng, hay như một du mục lạc vào khu rừng sâu, đầy hoang mang và rối răm không lối thoát. Hy vọng tác phẩm này như một chiếc bè nhằm giúp cho độc giả ấy vượt qua đại dương mênh mông giáo pháp, hay như một bản chỉ dẫn đưa họ tìm ra lối thoát của rừng chữ nghĩa vốn cô đọng thâm sâu của Luận tạng. Hơn thế nữa, Hiện tượng luận Phật giáo sẽ cống hiến cho người đã làm quen với giáo lý Duy thức nhưng còn mơ hồ về triết lý và ứng dụng thực tiễn. Đối với hạng độc giả này, họ có thể nắm bắt được nghĩa lý cô đọng thâm sâu trong duy thức học và các bộ luận khác thuộc về Du-già hành tông, rồi từ đó họ có thể chiêm nghiệm để thấy biết sự vận hành của tâm một cách dễ dàng. Như vậy, tác phẩm này đóng góp về cả phương diện đại chúng và giới nghiên cứu hàn lâm học thuật.
Phật giáo Việt Nam, tiếp nhận các nền văn học Phật giáo khá đa dạng. Chương trình đào tạo Phật học hệ Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân, Cao học đều khuyến khích nghiên cứu và học hỏi cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền. Giới xuất gia và hàng cư sĩ đã sớm tiếp cận giáo lý Duy thức qua các bản dịch Việt từ nguồn văn học Hán tạng, một trong văn bản mang tính hàn lâm học thuật là Thành duy thức luận,[8] do Tuệ Sỹ dịch, chú thích và đối chiếu Sanskrit với các nguồn Hán tạng với các văn bản Hán dịch của những Luận sư lỗi lạc ở Đại lục từ Huyền Trang và các môn đệ của ngài cho đến học giả Hán tạng đương đại. Độc giả Việt Nam đương thời sẽ đón nhận thêm một bản dịch Việt từ vị giáo sư học giả người Mỹ. Dan Lusthaus, với kinh nghiệm thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học và đặc biệt ảnh hưởng nền giáo dục khai phóng phương Tây, chắc chắn tác phẩm này gây cảm hứng cho người độc về điểm gặp gỡ giữa tâm lý học Phật giáo và phương Tây.
Mặc dù một số thuật ngữ Phật học được Dan Lusthaus sử dụng để chuyển tải từ Sanskrit sang Anh ngữ khá mới lạ so với các học giả khác thường dùng, như sarvatraga, tức biến hành (遍行) thường được dịch hiểu qua Anh ngữ là ‘universals’, trong khi đó Dan Lusthaus dùng từ ‘always-active’; hay viniyata, tức biệt cảnh (別境), Anh ngữ tương đương là ‘particulars’, trong khi tác giả dùng từ ‘specific’, và nhiều từ khác sẽ bắt gặp trong khi đọc bản dịch Việt. Có thể đó là một dụng ý của ông trong khi phiên dịch các thuật ngữ này nhằm làm phong phú trong lĩnh vực học thuật. Ở chương XII,[9] tác giả đã đối chiếu Tam thập tụng (triṃśikā) văn bản Sanskrit với hai bản Hán tương đương còn lưu giữ lại trong nguồn văn học Hán tạng, của Chân Đế và Huyền Tráng, cùng với bản Anh ngữ. Thích Nhuận Châu đã hào phóng dịch cả văn bản Sanskrit và hai bản Hán sang Việt ngữ. Giờ đây, độc giả có thể đối chiếu các văn bản này một dễ dàng. Có lẽ, điều đặc biệt đáng khích lệ hơn hết là tác phẩm này được Dan Lusthaus giải thích một cách mạch lạc với cái nhìn khai phóng khách quan; được người dịch cẩn trọng khi chuyển ngữ, đã tạo nên một tác phẩm đáng thưởng lãm.
Chúng tôi xin chúc mừng tác phẩm có giá trị này. Cầu nguyện cho người đọc sẽ tìm được bản hướng dẫn về nét giáo lý căn bản tâm lý học Phật giáo, đồng thời khơi dậy nguồn cảm hứng cho việc nghiên cứu và học hỏi lời dạy của đức Phật. Tác phẩm này không chỉ đáp ứng nhu yếu về học thuật ở ghế học đường mà còn đem lại cho người tiếp cận hiểu được sự vận hành của tâm mà chúng tôi tin tưởng rằng nó rất cần thiết cho việc thực hành và phụng sự của một người Phật tử chân chính cho cộng đồng, và góp phần xây dựng non sông xã tắc bền vững hơn.
Hạ – Quý Mão, 2024.
LÊ MẠNH THÁT
[1] Spalding, Baird Thomas, William Ackerman, and Ronald Lemmex. Life and Teaching of the Masters of the Far East. California Press, 1924.
[2] Kerr, Clark. The uses of the university. Harvard University Press, 2001.
[3] Thomas William Rhys Davids (1843 – 1922) là một học giả người Anh về ngôn ngữ Pāli, là người sáng lập Pāli Text Society.
[4] Bhikkhu Bodhi (1944 – ?) là một tu sỹ người Mỹ, người đã dịch và hiệu đính các bộ Nikāya tiếng Pāli sang Anh ngữ được xuất bản gần đây.
[5] Harvey, Peter. (ed). “Common Buddhist text: guidance and insight from the Buddha.” Mahachulalongkorn-rajavidyalaya (2017).
[6] Storch, Tanya. Buddhist-based universities in the United States: Searching for a new model in higher education. Lexington Books, 2015.
[7] Barbezat, Daniel P., and Mirabai Bush. Contemplative practices in higher education: Powerful methods to transform teaching and learning. John Wiley & Sons, 2013.
[8] Tuệ Sỹ (dịch), Thành duy thức luận (Vijñaptimātratāsiddhi), Hương tích, Nxb Hồng Đức (2009).
[9] Xem chương XII, Hiện tượng luận Phật giáo, tập 2 (tiếp theo).