Đại Danh Nghĩa Tập - ấn bản phi lợi nhuận (ĐĂNG KÝ TRƯỚC)

Giá

:

150.000₫

Mô tả :

Bìa mềm
Số trang: 600
Khổ: 16x24cm

Dự kiến lưu hành (phi lợi nhuận) từ T11/2024. Hoặc có thể tải bản ebook bên dưới để sử dụng.

Phát hành: Kính Quý Ban Biên Tập và quý Pháp hữu,

Đường truyền tải về:
1. Dùng Google Drive share: tại
đây.
2. Dùng
Academy.edu: tại đây.

Đính kèm theo đây là Tập Sách cuối cùng mà Thầy Tăng Thống Tuệ Sỹ đã tiến hành trong vài năm cuối của cuộc đời cùng với học trò Làng Đậu. Do quỹ thì giờ đã hết, cuối năm 2021, Thầy giao toàn quyền lại bộ sách đang soạn thảo cho học trò tiếp tục hoàn tất.

Nay sách đã soạn, được email đến các Pháp hữu, cũng như kính mong quý Ban Biên Tập chuyển đăng phổ biến rộng rãi như là món quà của Thầy Tuệ Sỹ (và của Làng Đậu) dành cho tất cả những ai đang muốn học hay muốn có thêm một tài liệu tham khảo về các thuật ngữ Phật học Phạn-Tạng-Việt-Hoa. Đây cũng là dịp dâng lên Thầy kỷ niệm dịp lễ Tiểu Tường của Thầy.

Một số đề án khác, khoảng 2018-2019, khi xin Thầy hỗ trợ thì Thầy Tuệ Sỹ dù rất muốn giúp vẫn đã từ chối; Thầy chỉ viết gọn: "Rất tiếc tôi không sống thêm được vài chục năm nữa"! Dù sao đây là đề án quan trọng liên quan đến các thuật ngữ Phạn-Tạng-Việt-Hoa mà Thầy đã làm được hơn 2/3.

(Trích phần 'Duyên Ngộ' của sách Đại Danh Nghĩa Tập):

Khoảng chiều mồng 6 Tết năm 2017, học sinh Làng Đậu (LĐ) được diện kiến thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên[1]. Ngay sau lễ bái, Thầy đã hướng dẫn liên tục khoảng vài giờ về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm hầu hết những điều mà LĐ định trình lên. Trong đó, Thầy có nhắc đến một ý quan trọng: Tiêu chuẩn hóa thuật ngữ Phật học cho giới trẻ Việt Nam[2]. Vì biết LĐ đang thọ giáo Phật học Tây Tạng, Thầy đề cập về tác phẩm Đại Danh Nghĩa Tập (ĐDNT) vốn là tập sách lịch sử chứa đựng nền tảng cốt lõi của mọi thuật ngữ Phật học Tây Tạng. Duyên khởi của tập sách là vào thời điểm này.

Sau đó, LĐ thọ nhận nhiều trao đổi và khuyến dạy từ thầy. Những công việc chuẩn bị về phía đệ tử bắt đầu từ đó.

...///...

Tháng 11/2021: Thầy gửi ra ĐDNT trong đó đã hoàn tất khoảng 2/3 điều chỉnh nghĩa Việt ngữ và nói đến các không trùng khớp của phần Phạn ngữ từ bản dịch Nhật ngữ (phiên bản Beta). Có lẽ Thầy đã định trước sự việc…

Một thời gian ngắn sau đó (27/02/2022), Thầy viết một lá thư đau buồn nhất mà người học trò phải tiếp nhận: Thời gian của tôi không còn nhiều, có thể góp nhặt từng ngày từng tháng để hoàn tất những gì cần hoàn tất, tuy không thể nói đầy đủ. Vì vậy, tôi quên đi những phiền toái của người đời để làm những việc cần làm. Thật tiếc, không thể giúp anh [để tiếp tục] hoàn tất mahāvyutpatti.

* Việc của mấy năm sau, để tiếp nối việc Thầy giao lại, là các nỗ lực: áp dụng AI (công nghệ Trí tuệ nhân tạo), tiến trình xử lý máy tính dùng hai ngôn ngữ lập trình C# và Python, so sánh điều chỉnh các cách viết tìm thấy từ các phiên bản ĐDNT khác, bổ sung các khiếm khuyết khác nhau, dùng các từ điển Tạng ngữ để chỉnh sửa các thuật ngữ chép ra từ Chánh văn (các loại lỗi do sự sao chép hay tái bản mà có) cũng như là bổ sung các nghĩa Việt ngữ, mà Thầy không kịp hoàn tất.

* Nay, phần trình bày Chánh văn đã xong. Các dạng Vựng tập về sau sẽ tùy duyên theo ý nguyện của Thầy, khi có sự hỗ trợ từ các chuyên gia Phạn ngữ sẽ hoàn thiện và phát hành.

(Trích phần 'Lich Sử' của sách Đại Danh Nghĩa Tập): -- Bản dịch Đại Danh Nghĩa Tập này dựa trên chánh văn của Đại Tạng Luận Derge, trong đó quan trọng nhất là Đại Tạng Luận Adarsha Derge Tengyur Vol.204-1b – 131a. --

Mahāvyutpatti (Devanagari: महाव्युत्पत्ति, Tibetan: བྱེ་བྲག་ཏུ་རྟོགས་པར་བྱེད་པ་ཆེན་པོ་ Đại Danh Nghĩa Tập)[1] có tên nguyên thủy là Vyutpatti (Danh nghĩa Tập), theo nghĩa Phạn ngữ là Đại Thuật Ngữ Học (hay Đại Từ Nguyên Học). Tuy nhiên, tựa sách có lẽ cần phải được bổ xung ý theo nghĩa Tạng ngữ vì nó được tạo ra bởi nhiều học giả và dịch giả Tây Tạng và Ấn-độ hợp sức để trước tác. Theo nghĩa Tạng văn thì tên tựa sách có thể dịch thành Đại Giải Ngộ Tường Tế, nghĩa đen là sự thấu hiểu chi tiết và cụ thể vỹ đại. Có thể bộ sách này đã có mặt từ thời Pháp vương Tri-Song-Detsen (ཁྲི་སྲོང་ལྡེའུ་བཙན་, 742 – c.815). Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho là nó thật sự hình thành bởi vua Trit-Suk-Detsen (Tib. ཁྲི་གཙུག་ལྡེ་བཙན་ 806–838). Bộ sách này bao gồm khoảng hơn 9500 thuật ngữ được phân ra trong khoảng 277 chủ đề. Sách được tạo thành dưới sự giám sát và hướng dẫn của nhiều học giả Ấn; và sau khi hoàn tất, tất cả mọi thay đổi chuẩn mực của bản dịch đều bị cấm[2]. Có nhiều lý do để giải thích việc cấm đoán này. Nếu là người hiểu biết Duyên khởi đủ sâu (như trường hợp các vị vua Tạng vốn là các học giả Phật giáo chủ động phát hành bộ sách) và cũng chính là người muốn phát huy, bảo đảm Chánh Pháp được lưu truyền một cách hiệu quả đúng đắn, lâu dài và không bị hủy hoại thì:

1. Việc dịch thuật phải được chính xác, quy chuẩn theo mọi ý nghĩa của nó (bao gồm cả hiển nghĩa và mật nghĩa). Việc giữ trọn từ nguyên sẽ giúp tránh khỏi các địa phương nghĩa, các nghĩa khác, như là các tợ nghĩa du nhập từ Hán ngữ hay từ các ngoại đạo đương thời, và chỉ thu vén đúng trong ý chỉ của kinh điển vốn được xác định qua các thuật ngữ dùng trong tập sách.

2. Sự thống nhất trong thuật ngữ chuyên môn để tránh mọi diễn dịch quá rộng hay quá hẹp nảy sinh bởi các diễn giải cá nhân về sau. Mỗi tâm ý có thể hiểu hay tri nhận một định danh khác nhau tùy vào hiểu biết (tri nghiệp), hoàn cảnh lịch sử (duyên nghiệp), trình độ chuyên môn và đạo pháp riêng.

3. Sự lưu giữ ý nghĩa, vốn được dùng để miêu tả chân lý, việc giữ đúng thuật ngữ nguyên thủy sẽ góp phần tránh được các biến động của ý nghĩa mỗi thuật ngữ, do cách dùng bị thay đổi trong văn phạm, chánh tả, ý nghĩa của ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng có thể bị thay đổi sau vài thế hệ.

4. Theo đó, sự cộng tác giữa các học giả và dịch giả Ấn và Tạng là then chốt và tất yếu cho công việc được thành tựu. Vì, sự kết hợp này giúp giảng giải và thấu hiểu ý nghĩa chuyên môn theo đúng tiếng mẹ đẻ về phía Phạn ngữ; mỗi thuật ngữ được hướng dẫn cụ thể, chi tiết chính xác; và cuối cùng được ban soạn thảo chọn lựa từ ngữ hay tạo ra thuật ngữ mới, phù hợp và chuẩn mực, để dùng trong chuyển dịch chánh pháp cho người Tây Tạng.

Danh mục từ vựng tiếng Tây Tạng tất yếu được tạo ra vào việc dịch sang tiếng Tây Tạng từ các công trình Phật học Phạn ngữ vốn chứa đựng các lời dạy chân lý cho việc tu học. Tác phẩm này được hoàn tất vào năm con Rồng 824, đó là Mahāvyutpatti[3]. Nó bao gồm một bảng chú giải các thuật ngữ nền tảng Phật học bằng tiếng Phạn, với phần tương ứng dịch hay chú giải tiếng Tây Tạng.

Vi khổ sách lớn và có hơn 600 trang nên buộc lòng chúng tôi phải nén sách lại ở dạng ZIP, kính mong quý BBT và quý Pháp hữu giải nén để có sách (trong zip file có kèm hai bức ảnh chụp của Thầy Tuệ Sỹ tại khu nhập hạ Bảo Lộc hè 2019)

-----------------------------------------

[1] Bản dịch này dựa trên chánh văn của Đại Tạng Luận Derge, trong đó quan trọng nhất là Đại Tạng Luận Adarsha Derge Tengyur Vol.204-1b – 131a.

[2] Thật ra từ khi 13-14 tuổi (cuối thập niên 70 của TK20), người tiếp soạn sách này nghiền ngẫm không ít các sách Thiền học / Phật học do Tuệ Sỹ soạn hay dịch. Sự ảnh hưởng này rất lớn cho tu học, nhưng mãi đến gần 4 thập kỷ sau mới có duyên trực tiếp gặp Thầy.

[3] Điều này bắt nguồn từ việc đã rất nhiều Phật tử trẻ trong nước, gặp khó khăn lớn để lĩnh hội các án văn Phật giáo chuyên sâu bằng Việt ngữ. Lý do cũng dễ hiểu: Các dịch phẩm hay trước tác đó, dùng quá nhiều ngôn từ Hán-Việt tạo thêm trở ngại lớn bên cạnh ý nghĩa huyên áo sẵn có của Phật học; mà thật ra, ngay chính người Hán, họ cũng không hề bị làm khó đến mức như thế. Lấy một thí dụ đơn giản, chữ “nhân”, đối với người Hoa, họ có thể dễ dàng phân biệt các nghĩa khác nhau của nó qua cách viết phân biệt rõ ràng (人, 因, 仁, 姻, 茵, 湮, 氤 … 儿). Trong tiếng Việt, tất cả đều được / bị gói gọn-lõn qua một mặt chữ ‘nhân’. Thế-thì cần hiểu theo nghĩa nào với mỗi một chữ ‘nhân’ này? Theo thiển ý, giảm thiểu phần nào khó khăn này mà không gây ra sự hiểu biết sai lạc là việc cần thiết.

Kính nguyện tất cả được an khương tỉnh thức.

Nhan Q Vo -- US Computer Scientist
Namo Majugosha.